Thứ Ba, 14 tháng 2, 2017

Ông Dominic Scriven nhận phải thất bại khi room ngoại chưa được nới

Tổng giám đốc Dragon Capital cho rằng nhà đầu tư ngoại có thể "đi chơi" trước khi quyết định nới room được ban hành.


Lãnh đạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước mới đây cho biết phải sang năm sau, văn bản cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua nhiều cổ phần hơn tại doanh nghiệp niêm yết (hiện tỷ lệ tối đa là 49%) mới được ban hành. Động thái này đã khiến nhiều nhà đầu tư ngoại khá buồn lòng. Bên lề Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2014, ông Dominic Scriven - Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ Dragon Capital, đại diện nhóm công tác thị trường vốn vừa có cuộc trao đổi với báo chí về diễn biến này.
- Nhiều năm qua, nhóm công tác thị trường vốn liên tục kiến nghị Chính phủ nới room cho khối ngoại, song đến năm nay vẫn chưa thành hiện thực. Cảm nghĩ của ông như thế nào?
- Đây là sự thất bại của nhóm công tác thị trường vốn. Việc Ủy ban chứng khoán thông báo sang năm sau mới xem xét lại việc nới room khiến chúng tôi khá buồn. Nhà đầu tư nước ngoài trong năm tới coi như không có việc làm. Tôi nghĩ mình nên đi chơi thôi.
dominic-4972-1417588813.jpg
Ông Dominic Scriven cho biết việc kiếm nhà đầu tư đang ngày càng khó khăn.
- Hoạt động lâu năm tại thị trường chứng khoán Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại hiện nay?
- Từ đầu năm, thị trường chứng khoán Việt Nam mới thu hút được 150 triệu USD từ nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đã phản ánh sự quan tâm của giới đầu tư: Nhỏ lắm. Họ có quan tâm nhưng chỉ là trên lý thuyết, không biến thành hiện thực. Họ đến Việt Nam chủ yếu là du lịch, chơi, ăn món ăn Việt Nam.
Tôi chưa nói đến thủ tục xin cấp mã giao dịch tại Việt Nam, bởi nếu có cơ hội thì họ cũng sẵn sàng chấp nhận. Song vấn đề là nhà đầu tư cảm thấy mất công, đi mà không đầu tư được vào cái gì.
- Theo ông, thị trường chứng khoán Việt Nam còn vướng ở đâu?
- Quy mô thị trường vốn Việt Nam đang quá nhỏ, chỉ khoảng 50 tỷ USD, bằng 25% GDP. Kinh tế Indonesia không hơn Việt Nam bao nhiêu nhưng quy mô thị trường chứng khoán đạt gần 600 tỷ USD, Thái Lan là hơn 300 tỷ USD và Philippines là 200 tỷ USD. Nguyên nhân là Việt Nam vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa niêm yết, mới giao dịch trên UPCoM, thị trường tự do.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng chưa được nhà đầu tư ngoại quan tâm do tỷ lệ sở hữu của Nhà nước vẫn còn lớn, cổ đông bên ngoài không có tiếng nói.
- Vậy cần những giải pháp gì để khắc phục điểm này, thưa ông?
- Muốn tăng hiệu quả, quy mô của thị trường chứng khoán thì phải thu hút các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước lên sàn. Song, doanh nghiệp Nhà nước lại vướng phải vấn đề hiệu quả của khu vực kinh tế quốc doanh. Nếu cải thiện được vấn đề này sẽ vừa thúc đẩy được thị trường chứng khoán phát triển, vừa làm lành mạnh khu vực kinh tế Nhà nước. Một mũi tên trúng hai đích.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần cải thiện khâu quản trị. Nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn duy trì mô hình gia đình trị.
- Các quỹ lớn tại Việt Nam chỉ còn 1-2 năm nữa là đóng. Ông nghĩ sao về nhận định khi cho rằng Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ quỹ mới chưa thấy đến, trong khi các quỹ đang hoạt động không còn thấy cơ hội?
- Đây là sự chuyển biến không thể tránh khỏi. Trên thế giới, những quỹ có tuổi đời 100 năm rất ít, thông thường là 5-8 năm, tối đa là 10 năm. Đến một thời điểm, quỹ phải thanh lý trả lại vốn cho nhà đầu tư hoặc huy động vốn đó vào loại hình khác. Do đó, dòng vốn có thể ra đi hoặc quay trở lại, nhưng dưới một khoản đầu mới.
- Với riêng Dragon Capital, trong một năm qua quỹ có gọi được nhà đầu tư không?
- Chúng tôi có huy động được khoảng 100 - 200 triệu USD. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nhà đầu tư đang trở nên khó khăn. Chúng tôi phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng xem ai có nguồn vốn để kêu gọi, song thuyết phục được họ cũng là cả một vấn đề.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét