Thứ Ba, 14 tháng 2, 2017

ILO: Thu nhập ngành tài chính ngân hàng cao nhất ở VN

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), chỉ 1/3 lực lượng lao động ở Việt Nam làm việc tại khu vực chính thức, trong đó nhân lực ngân hàng, công nghệ, bất động sản... hưởng lương cao nhất.


Theo báo cáo với tiêu đề "Chính sách tiền lương Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập" của ILO, Việt Nam đứng thứ 8 trên tổng số 9 nước trong khu vực ASEAN về tỷ lệ lao động trong khu vực chính thức (những người làm trong doanh nghiệp được pháp luật thừa nhận, có mức thu nhập ổn định...), sau các nước như Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Myanmar... và chỉ đứng trên Lào.
Tuy nhiên, tổ chức này cũng nhận xét những năm gần đây, Việt Nam đã nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với thế giới bởi tỷ lệ lao động trong khu vực chính thức dự báo sẽ tăng nhanh trong những thập niên sắp tới. Cụ thể, năm 2013, số lao động làm công có thu nhập ổn định chiếm 34,8%, cao hơn gấp đôi so với con số 16,8% vào năm 1996.
nhan-vien-ngan-hang-1648-1417579365.jpg
Thu nhập bình quân của lao động ngành tài chính - ngân hàng - bảo hiểm khoảng 7,2 triệu đồng một tháng.
Tại khu vực chính thức, nhân lực trong ngành tài chính - ngân hàng - bảo hiểm có mức thu nhập bình quân hằng tháng cao nhất, đạt trung bình 7,23 triệu đồng. Khoa học - công nghệ thông tin và bất động sản đứng tiếp theo, lần lượt đạt 6,5 triệu đồng và 6,4 triệu đồng mỗi tháng. Đáng chú ý, khảo sát cũng cho biết lao động nữ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng - bảo hiểm và khoa học - công nghệ thường được trả lương cao hơn so với nam giới.
Ngược lại, lĩnh vực nông nghiệp vốn chiếm khoảng một nửa lực lượng lao động nhưng tỷ lệ được trả lương chỉ chiếm hơn 10% trong tổng số lao động chính thức tại Việt Nam. Điều này dẫn tới thu nhập bình quân trong nhóm ở mức thấp nhất, chỉ đạt 2,63 triệu đồng.
ILO-JPG-5443-1417579365.jpg
Thu nhập hàng tháng của lao động trong các lĩnh vực tại Việt Nam theo khảo sát của ILO năm 2013. Đơn vị: nghìn đồng
Tính chung toàn khu vực, ILO nhận xét ASEAN đã có bước tiến vượt bậc trong cải cách tiền lương. Từ chỗ chỉ là khu vực có mức tăng trưởng tiền lương khiêm tốn, hai năm gần đây, vấn đề này đã được cải thiện đáng kể thông qua tăng lương tối thiểu, lương thực tế tại Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.
Tại Việt Nam, năm 2012, mức lương trung bình hàng tháng đã đạt 3,8 triệu đồng một tháng (181 USD), cao hơn Lào (119 USD), Campuchia (121 ISD) và Indonesia (174 USD). Là thành viên của cộng đồng kinh tế ASEAN và ngày càng hội nhập sâu rộng hơn, Việt Nam được đánh giá sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc trong thập kỷ tới.
Với việc cồng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) sẽ hình thành năm 2015, các chuyên gia của ILO nhận định việc thiết lập các chính sách cũng như mức tiền lương hợp lý sẽ đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam thay đổi cấu trúc, nâng cao năng suất lao động và điều kiện làm việc, tăng sức cạnh tranh trên toàn cầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét