Thứ Ba, 14 tháng 2, 2017

Người giàu thứ tư Hong Kong muốn đầu tư vào casino Việt

Chow Tai Fook, một công ty Hong Kong (Trung Quốc) kinh doanh đa ngành, từ bất động sản đến trang sức cho biết đã sẵn sàng đầu tư 4 tỷ USD vào dự án casino tại Quảng Nam.


"Chúng tôi rất quan tâm", Henry Cheng, một lãnh đạo của công ty này cho biết khi trao đổi với Bloomberg về khu casino tại Quảng Nam, Việt Nam. Từ chối tiết lộ chi tiết về thương vụ, song vị này cho hay đang hoàn tất một số công việc liên quan đến dự án.
cheng-yu-tung-5037-1417510201.jpg
Công ty của ông Cheng Yu-Tung, người giàu thứ tư Hong Kong muốn đầu tư vào casino Việt Nam.
Trước thông tin này, Don Lam, Tổng giám đốc điều hành của VinaCapital, chủ đầu tư dự án casino Nam Hội An (Quảng Nam) từ chối bình luận và cho biết thương vụ vẫn còn trải qua nhiều thủ tục và chưa hoàn thành.
Chow Tai Fook thuộc quyền quản lý của gia đình người giàu thứ tư Hong Kong - ông Cheng Yu-Tung, đang tìm kiếm các cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực trò chơi có thưởng bởi ngày càng có nhiều du khách Trung Quốc đi du lịch ở nước ngoài. Gia đình tỷ phú này cũng có một khoản đầu tư riêng trong casino tại Macao, nơi duy nhất tại Trung Quốc mà đánh bạc được coi là hợp pháp.
Trong khi đó, dự án casino Nam Hội An đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 12/2010, vốn đăng ký 4 tỷ USD với sự tham gia ban đầu của công ty quản lý quỹ VinaCapital và Genting Berhad Malaysia. Tuy nhiên, tháng 9/2012, Genting bất ngờ rút khỏi dự án, buộc VinaCapital phải tìm nhà đầu tư thay thế.
Trả lời báo chí trong một cuộc họp mới đây, ông Don Lam tiết lộ đã tìm được nhà đầu tư phù hợp để tái khởi động dự án, song vị này cũng từ chối tiết lộ tên nhà đầu tư thay thế Genting. "Dự án Nam Hội An sẽ được VinaCapital và đối tác trong liên doanh khởi công vào giữa năm sau", ông Don Lam nói.

Kiểm tra, xử lý gian lận xăng dầu ở trên cả nước

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp sử dụng thiết bị điện tử gian lận khi bán xăng dầu.


Kết quả của đợt kiểm tra này cần được báo cáo Thủ tướng trong quý I/2015. Trước đó, cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An đã bắt quả tang 11 trạm kinh doanh xăng dầu sử dụng chíp điện tử (loại chạy được 2 chương trình sai - đúng) để gian lận, bớt xén xăng dầu của người mua 4-11% (trung bình 10 lít xăng dầu sẽ bị ăn bớt 0,4-1,1 lít) mỗi khi bán.
Các cơ sở xăng dầu gian lận bị phát hiện nằm trên địa bàn các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Tân Kỳ, Anh Sơn, Tương Dương, thị xã Hoàng Mai và Quế Phong.
Nhóm đối tượng khai nhận việc chế tạo, bán và lắp đặt thiết bị giả này được thực hiện trong 6 năm qua. Hiện các chip điện tử làm sai lệch thiết bị đo lường đã được bán tại nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở nhiều tỉnh trong cả nước như Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa…

Thủ tướng nói: 'Nợ xấu ngân hàng sẽ về mức bình thường ở trong năm tới'

Lần thứ ba trong năm đối thoại trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp, người đứng đầu Chính phủ khẳng định việc giảm tỷ lệ nợ xấu về 3% trong năm tới hoàn toàn khả thi.


Phát biểu tại diễn đàn Doanh nghiệp thường niên (VBF) 2014 sáng nay (2/12), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định nền kinh tế đã trải qua một năm đầy thử thách, đặc biệt là sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng chủ quyền Việt Nam. Tuy nhiên, với những nỗ lực và hỗ trợ từ các nhà đầu tư nước ngoài, cơ quan điều hành đã ổn định được môi trường vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng trưởng năm 2014 ước đạt trên 5,9%, cao hơn mục tiêu đề ra.
thu-tuong-0-9020-1417504465.jpg
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định việc đưa nợ xấu ngân hàng về 3% là khả thi. Ảnh: P.V
“Chúng tôi cũng nghiêm túc nhìn nhận rằng những kết quả đạt được chưa tương xứng tiềm năng, đáp ứng yêu cầu của chúng tôi cũng như mong muốn của các bạn”, Thủ tướng chia sẻ.
Bước sang năm 2015, người đứng đầu Chính phủ cam kết sẽ thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư. Trong đó, lạm phát sẽ được kiểm soát ở 5% để tạo điều kiện phát triển kinh tế, bội chi ở mức 5% GDP, tăng trưởng kinh tế ở mức 6,2%.
"Nợ công sẽ bảo đảm không vượt quá trần cho phép và bảo đảm trả nợ đúng hạn, đầy đủ theo kế hoạch", Thủ tướng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tích cực cải cách, phát triển mạnh các thị trường vốn, tiền tệ, lao động, bất động sản... để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh, góp phần chủ động hội nhập với kinh tế quốc tế, tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước, hệ thống tài chính ngân hàng cũng được đại diện Chính phủ nêu lên là nhiệm vụ cần phải đột phá trong năm tới. "Việc giảm nhanh tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% vào năm 2015 là hoàn toàn khả thi, tức là hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam sẽ trở lại mức bình thường, đảm bảo an toàn", ông phát biểu.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cam kết trong thời gian tới sẽ phấn đấu đưa nợ xấu về 3% tổng dư nợ. Việc ban hành Thông tư 36 về các tiêu chuẩn an toàn cũng nhằm gia tăng tính vững chắc của hệ thống, giảm sở hữu chéo và giúp nhà đầu tư có thêm cơ hội mới trong lĩnh vực ngân hàng.
VBF-0-2627-1417504466.jpg
Kỳ VBF này là lần thứ 3 cộng đồng doanh nghiệp đối thoại trực tiếp với Thủ tướng trong năm nay. Ảnh: P.V
Liên quan đến cải cách doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng khẳng định sẽ cổ phần hóa xong 432 doanh nghiệp tới năm 2015, giảm nhanh tỷ lệ vốn Nhà nước tại các lĩnh vực không cần nắm giữ cổ phần. "Cùng với cổ phần hóa, Chính phủ quyết tâm phát triển mạnh khu vực tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam", Thủ tướng cho hay.
Ngoài ra, một nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong năm tới là phòng, chống tham nhũng. “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thực hiện công khai minh bạch trong quản lý tài sản, quản lý ngân sách, khoáng sản, doanh nghiệp sẽ góp phần hiệu quả hơn trong phòng chống tham nhũng”, người đứng đầu Chính phủ khẳng định.
Cùng với đó, ông cam kết với nhà đại đa số nhà đầu tư nước ngoài có mặt trong hội trường sẽ lắng nghe ý kiến về các giải pháp để phòng chống tham nhũng, tập trung cải cách thủ tục hành chính, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. "Chính phủ Việt Nam rất quyết tâm phòng chống tham nhũng, vấn đề là tìm giải pháp cho hiệu quả", ông cho biết.

Khách mua về nhà dát vàng được trả lại tiền đặt cọc

Từng có 60 khách hàng đăng ký khi mở bán, song theo cập nhật của chủ đầu tư, đến nay dự án D'.Palais de Louis (Cầu Giấy, Hà Nội) chưa bán được căn nào, số tiền đặt cọc đã được trả lại.


Thông tin nêu trên được ông Trần Như Trung - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh xác nhận với báo chí sáng 2/12. Trước đó, dự án D’.Palais de Louis từng được khởi công cuối năm 2009, được quảng cáo rầm rộ với các căn hộ có nhiều chi tiết dát vàng 24K. Giá chào bán mỗi m2 đã hoàn thiện khi đó là trên 100 triệu đồng, tương đương việc người mua phải bỏ ra 13-27 tỷ đồng (1,3 triệu đôla) để sở hữu căn hộ. Khách mua các căn penthouse tại đây thậm chí phải trả khoảng 100 tỷ đồng.
Tại thời điểm mở bán, chủ đầu tư cho biết đã có khoảng 60 khách hàng đăng ký mua (chiếm khoảng một phần tư dự án). Tuy nhiên, theo ông Trần Như Trung, do thị trường đi xuống sau đó, một số khách hàng gặp khó khăn nên Tân Hoàng Minh đã ra quyết định trả tiền (gồm cả lãi) cho những người không muốn tham gia mua dự án.
"Cho nên đến giờ phút này, chúng tôi chưa chính thức bán căn hộ cho một khách hàng nào. Tân Hoàng Minh cũng muốn chuẩn bị thật kỹ, để sản phẩm bán ra thị trường không phải chịu bất kỳ một áp lực nào", ông Trung nói. 
Tan-Hoang-Minh2-1207-1417509857.jpg
Dự án siêu sang trên đường Nguyễn Văn Huyên của Tân Hoàng Minh chưa bán căn hộ nào cho khách hàng. Ảnh: Anh Quân
Nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy, Hà Nội), D’.Palais de Louis là dự án căn hộ có 27 tầng. Theo đại diện chủ đầu tư, doanh nghiệp đang hoàn thiện công đoạn xây tường ngăn, tường bao, lắp đặt thang máy và hệ thống cơ điện. Hệ thống hạ tầng và 15 căn hộ mẫu dự kiến được hoàn thiện vào năm 2015.
Trước đó, doanh nghiệp từng cho biết sẽ bàn giao nhà trong năm 2015, song tại buổi trao đổi sáng nay, ông Trung không đưa ra mốc thời gian cụ thể nào cho việc hoàn thiện. "Chúng tôi đang đã xúc tiến hợp đồng lắp nội thất cho các căn hộ. Dự án vẫn đang được triển khai rất tích cực", Phó tổng giám đốc Tập đoàn cho hay.
Những năm trước, Tập đoàn Tân Hoàng Minh từng gây không ít ngạc nhiên trên thị trường bất động sản với một loạt dự án siêu sang, cao cấp theo lối kiến trúc Pháp cổ tại các vị trí đắc địa như mặt đường Hàng Bài (Hoàn Kiếm), Hoàng Cầu (Đống Đa), Đặng Thai Mai (Tây Hồ), Phú Thượng (Tây Hồ)... Hầu hết các tòa nhà đều được dự kiến hoàn thành vào khoảng năm 2013-2015. Tuy nhiên, đến nay, chỉ duy nhất dự án trên đường Nguyễn Văn Huyên được triển khai, còn lại đều bị chậm tiến độ. 
Lý giải về sự chậm trễ này, ông Trung cho biết hầu hết đều do nguyên nhân chủ quan như xin giấy phép quy hoạch, đền bù, giải tỏa. "Các dự án đều nằm trong khu vực đất vàng nên việc xin giấy phép rất phức tạp. Tôi lấy ví dụ như dự án D'.San Raffles, Hàng Bài chúng tôi đóng tiền sử dụng đất từ năm 1995 nhưng gần đây mới gần hoàn thiện các thủ tục pháp lý và dự kiến đến quý II năm tới mới khởi công", ông Trung nói. 
Trước một số ý kiến nghi ngờ về năng lực tài chính của chủ đầu tư, ông Trung cho biết điều này không có căn cứ. "Đúng là Tân Hoàng Minh đang có nhiều dự án nhưng chỉ có dự án trên đường Nguyễn Văn Huyên đang được xây dựng. Tuy nhiên, việc chậm tiến độ đều do nhân tố khách quan. Hơn nữa chúng tôi không để xảy ra tình trạng khách hàng phải khiếu kiện vì các vấn đề liên quan đến tài chính, huy động vốn cho dự án", ông Trung nhấn mạnh. 
Do đó, đại diện Tập đoàn cho biết, chủ đầu tư không có ý định bán bất kỳ dự án nào trong số đơn vị này đang sở hữu. "Vào thời kỳ xấu nhất, phân khúc cao cấp vẫn có người mua tuy chỉ chiếm phần nhỏ. Nếu những dự án của chúng tôi ở vị trí xa trung tâm thì có thể sẽ thất bại. Tuy nhiên, các  dự án của Tân Hoàng Minh đều nằm ở những vị trí đẹp, có điều kiện cần để phát triển phân khúc cao cấp", vị này nói. 

Giá vàng lại giảm mạnh mẽ

Mỗi ounce hôm qua mất hơn 14 USD, xuống 1.198 USD do đôla Mỹ mạnh lên và dự đoán nước này sẽ thắt chặt tiền tệ từ giữa năm tới.


Sáng nay, giá tiếp tục xuống 1.195 USD một ounce lúc 7h30 (giờ Hà Nội). Giá này tương đương 30,84 triệu đồng một lượng, chưa bao gồm thuế, phí. Thị trường trong nước đóng cửa hôm qua tại 35,15-35,27 triệu đồng.
Giá các hợp đồng giao tháng 12 cũng giảm 1,5% xuống 1.199 USD một ounce. Phiên trước đó, giá giao ngay ban đầu lao xuống đáy 3 tuần do Thụy Sĩ không thông qua tăng vàng dự trữ. Sau đó, giá tăng trở lại trong phiên Mỹ với gần 4%, mạnh nhất từ tháng 9/2013 do giá dầu hồi phục.
vang-5-4716-1417567846.jpg
Mỗi ounce vàng hôm qua mất hơn 14 USD. Ảnh: Anh Quân
"Về góc độ kỹ thuật. Giữ được mốc 1.190 USD là điều quan trọng, do phá xuống dưới ngưỡng này sẽ khiến thị trường lao xuống 1.140-1.150 USD như đầu tuần", Carlo Alberto de Casa – nhà phân tích cấp cao tại ActivTrades nhận xét.
Những phiên gần đây, vàng, dầu cùng giảm giá do dự đoán giá dầu yếu sẽ làm giảm áp lực lạm phát. Kim loại quý thường được coi là công cụ chống lại lạm phát do dầu.
Hôm qua, USD tăng giá 0,8% so với rổ tiền tệ lớn trên thế giới, sau bình luận về lãi suất của Phó chủ tịch FED - Stanley Fischer và Chủ tịch FED New York - William Dudley hôm thứ Hai. "Nếu nền kinh tế tiếp tục mạnh lên, khả năng tăng lãi suất sớm cũng cao hơn. Và việc này luôn có ảnh hưởng tiêu cực đến vàng", Phillip Streible -  nhà môi giới hàng hóa tại RJO Futures cho biết.
Michael Widmer tại BofA Merrill Lynch cũng nhận xét giao dịch sẽ rất biến động. "Mối lo về ảnh hưởng của lạm phát thấp và chính sách của các ngân hàng trung ương chính là sự quan tâm lớn nhất hiện nay", ông cho biết.
Nhu cầu vật chất tại châu Á tiếp tục hỗ trợ giá vàng. Tuy nhiên, chênh lệch giá tại thị trường tiêu dùng hàng đầu – Trung Quốc so với thế giới đã giảm xuống dưới một USD mỗi ounce hôm qua.

Bình Định mở rộng thị trường tiêu thụ về cá ngừ đại dương

Không chỉ xuất khẩu sang Nhật, Bình Định đang lập phương án sản xuất tiêu thụ nội địa và một số nước khác trên thế giới.

3-12-Anh-2-Ca-ngu-dai-duong-5137-1417577
Ngư dân Bình Định bội thu cá ngừ đại dương đầu mùa. Ảnh: Trí Tín.
Trao đổi với VnExpress sáng 3/12, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bình Định cho biết, bên cạnh xuất khẩu sang Nhật Bản, tỉnh đang mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cá ngừ tươi sống tại các cửa hàng Nhật tại Việt Nam và xuất khẩu sang Nga, châu Âu. 
Hiện tại, một số doanh nghiệp Nhật Bản đã đặt vấn đề với Bình Định đầu tư nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu quy mô lớn tại đây. Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết thêm, tỉnh đang mời gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào cụm công nghiệp chế biến chuyên sâu thủy sản.
"Chúng tôi đang hợp tác với các nước để đào tạo nguồn nhân lực chuyên lĩnh vực thủy sản. Trước mắt sẽ đưa chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, ngư dân tiếp tục sang tập huấn tại Nhật để trở về đánh bắt, chế biến sâu cá ngừ đại dương đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu", ông Dũng cho hay.
Liên tục những ngày qua, trung bình có khoảng 100 tàu khai thác cá ngừ đại dương cập bến mỗi ngày, mỗi tàu khai thác từ 2 đến 2,5 tấn sản phẩm. Nhờ giá nhiên liệu liên tục giảm, sản phẩm cá ngừ đại dương đầu mùa năm nay dao động từ 110.000 đến 115.000 đồng một kg (gấp đôi năm ngoái) nên ngư dân thu lãi lớn với mỗi tàu từ 100 đến 120 triệu đồng chuyến biển ngắn ngày. 
Thống kê của tỉnh Bình Định, từ đầu năm 2014 đến nay, ngư dân địa phương đã khai thác được hơn 190.000 tấn thủy sản các loại, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó gần 9.000 tấn cá ngừ đại dương, tăng 7%. 

Trung tâm thương mại lớn nhất châu Âu ế ẩm ở Nga

2 ngày sau khi Aviapark mở cửa tại Moscow giữa lúc kinh tế đi xuống và đồng rouble lao dốc, người dân đến đây có vẻ để ngắm nhiều hơn là mua.


Aviapark được xây dựng ở tây bắc Moscow, với diện tích bằng 36 sân bóng đá. Dĩ nhiên, sự hoành tráng này đã khiến người dân thủ đô choáng ngợp. Nhưng, khi túi tiền của người Nga đang co lại, shopping tại hơn 500 cửa hàng và 80 nhà hàng tại đây ( một số còn đang xây dựng) có vẻ tương đối xa xỉ.
Trưa Chủ Nhật, tại bể cá hình trụ đặt giữa trung tâm, một nhóm người đang túm tụm tạo dáng chụp ảnh. Những chú hề đi trên cà kheo, các buổi múa rối và thổi kèn cũng thu hút nhiều gia đình trẻ. Còn trên sân trượt băng ở tầng cao nhất, một số khác đang thắt lại dây giày trượt cho con.
nga-8484-1417512387.jpg
Bên trong trung tâm thương mại Aviapark tại Moscow (Nga). Ảnh: Moscow Times
Tuy nhiên, khu mua sắm rộng 230.000 m2 này có vẻ chỉ là lựa chọn thứ nhì của người dân. "Chúng tôi đến đây vì ở gần thôi. Lũ trẻ muốn ngắm bể cá. Chứ thực ra tôi có ghé vào gian hàng nào đâu", Irina Yermakova - một bà mẹ 2 con cho biết trên Moscow Times.
Phần lớn trong số 43 người bắt xe bus miễn phí từ Aviapark đến trạm tàu điện ngầm Dynamo cuối tuần trước chẳng hề mang theo tiền. Họ tới đây vì tò mò hơn là mua sắm.
Đồng rouble đã mất một phần ba giá trị so với USD năm nay. Người Nga cũng đã nhận thấy sức mua các mặt hàng nhập khẩu của mình suy giảm, khi tuần trước, Apple tăng giá sản phẩm tại Nga lên 25%, do rouble yếu đi.
Thêm vào đó, lạm phát hơn 8% cũng có nghĩa giá cả trong nước đã tăng đáng kể. Trong 2 tháng 10-11, giá bột mì đã tăng hơn 70%, Interfax cho biết.
Một trong hai nhà đầu tư chính vào Aviapark là Igor Rotenberg - con trai của Arkady Rotenberg - ông trùm xây dựng và ngân hàng đã bị Mỹ, EU, Canada và Na Uy liệt vào danh sách đen vì nghi dính dáng đến khủng hoảng Ukraine. Arkady Rotenberg là bạn tập judo lâu năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Việc xây dựng Aviapark bắt đầu từ 2 năm trước, khi triển vọng kinh tế Nga còn tương đối sáng sủa. Năm 2012, Nga quay về thời kỳ đỉnh cao trước khủng hoảng, tăng trưởng GDP ổn định với trên 3% và giá dầu cao nhất 4 năm.
Dù tình thế hiện giờ đã rất khác, các nhân viên của Aviapark vẫn khá lạc quan về tương lai của trung tâm. "Tôi không biết nơi này sẽ thế nào vào ngày thường, nhưng rõ ràng đã có rất nhiều người tới dịp cuối tuần. Tôi chỉ hơi ngạc nhiên là ở đây  không có McDonald’s. Có lẽ là vì lệnh trừng phạt", Nurin Duisenbekov – nhân viên khu trượt băng cho biết.
Oksana - chủ một gian hàng giày tại Aviapark thì nhận xét việc kinh doanh "cũng không tệ" trong tuần đầu tiên mở cửa. "Chúng tôi đã rất vui vẻ và mọi việc vẫn đang được tiến hành. Rất nhiều người đã tới đây. Giá của chúng tôi cũng rất hợp lý, nên tôi không cho là tình hình kinh tế sẽ có ảnh hưởng", bà cho biết.

MobiFone chính thức trở thành Tổng công ty

Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) nhận quyết định thành lập trên cơ sở tổ chức lại Công ty TNHH một thành viên Thông tin di động, kế thừa toàn bộ quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ hợp pháp của công ty trước đây, theo quyết định của Bộ Thông tin & Truyền thông.

Doanh nghiệp có vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng, do Nhà nước nắm 100% vốn.

Vốn điều lệ của MobiFone đạt 15.000 tỷ đồng, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con với 5 ngành nghề kinh doanh chính trong lĩnh vực dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh truyền hình, truyền thông đa phương tiện.
mobifone-2024-1417572540.jpg
Bộ Thông tin & Truyền thông vừa có quyết định phê duyệt đưa MobiFone thành Tổng công ty.
Theo quyết định được Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son ký, tổng công ty sẽ có 12 đơn vị hạch toán phụ thuộc ở khối kinh doanh, phụ trách địa bàn tại 63 tỉnh, thành trên cả nước, các trung tâm mạng lưới, nghiên cứu, thiết kế... Ngoài ra, MobiFone còn cổ phần chi phối (trên 50% vốn) tại 3 công ty là Công nghệ MobiFone toàn cầu (MobiFone Global), Dịch vụ gia tăng MobiFone (MobiFone Plus) và Dịch vụ kỹ thuật MobiFone (MobiFone Service). 4 đơn vị khác nắm dưới 50% vốn điều lệ Công ty Đầu tư phát triển Công nghệ và Truyền thông, Công ty Quảng cáo, Truyền thông đa phương tiện, Ngân hàng Đông Nam Á (Seabank) và Ngân hàng Tiên Phong (TPBank).
Việc đưa MobiFone lên thành Tổng công ty đã được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 11/2014 nhằm thực hiện đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2014 - 2015.
Theo đề án này, MobiFone sẽ được tách ra khỏi VNPT và điều chuyển nguyên trạng về Bộ Thông tin và Truyền thông. Đại diện Bộ Thông tin & Truyền thông cũng từng cho biết MobiFone sẽ được tổ chức lại trong quý III và hoàn thành phương án cổ phần hóa, trình Thủ tướng trong quý IV năm nay. Trong đó, VNPT có thể nắm khoảng 20% vốn điều lệ - tỷ lệ tối đa cho phép theo quy định về sở hữu chéo tại Luật Viễn thông 2009.

Tăng 3 phiên liền, Vn-Index tiến gần tới 575 điểm

Các mã lớn: VNM, FPT, KDC, PVD, GAS đồng loạt nhuộm xanh và hai mã ngân hàng VCB, EIB bật cao đã tạo lực đỡ kéo Vn-Index lên 574,88 điểm, đánh dấu phiên đi lên thứ 3 liên tiếp kể từ đầu tuần.


Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/12 với 156 mã tăng giá, Vn-Index tăng 5,45 điểm, lên 574,88 điểm, mua bán hơn 119 triệu cổ phiếu, tương đương 2.000 tỷ đồng, thỏa thuận 7,7 triệu chứng khoán, trị giá 212,03 tỷ đồng, xấp xỉ 10% giá trị giao dịch toàn sàn TP HCM.
GAS - một trong những mã vốn hóa lớn tại HOSE bật lên 1.500 đồng và các mã dầu khí đồng loạt tăng cao chính là lực đỡ giúp thị trường vượt xa ngưỡng hỗ trợ 570 điểm trước giờ đóng cửa.
Các blue-chip khác như VNM, FPT, KDC, PVD cũng lần lượt tăng 500-1.000 đồng. HAG chiều nay đã kịp tìm lại sắc xanh sau phiên rớt giá vì bị khối ngoại bán ròng trị giá hơn 100 tỷ đồng ngày hôm qua.
Cổ phiếu ngân hàng sáng nay hóa mạnh nhưng đến cuối ngày đã khởi sắc trở lại. EIB tăng trần 800 đồng, MBB và VCB lần lượt tăng 200-600 đồng trong khi CTG và STB giữ giá thành công. Nhóm địa ốc phân hóa nhẹ, FLC dẫn đầu thanh khoản HOSE với hơn 12,1 triệu cổ phiếu được sang tay.
Hôm nay khối ngoại vẫn bán ròng 1,15 triệu cổ phiếu, đạt 39,29 tỷ đồng trên sàn TP HCM nhưng đã giảm 63,07% về lượng và giảm 59,28% về giá trị so với hôm qua. Dẫn đầu nhóm cổ phiếu bị rút ròng là VIC. Mã này bị bán ròng 853.400 cổ phiếu, tương ứng 41,26 tỷ đồng.
Sàn Hà Nội cũng lấy đà đi lên phiên thứ ba liên tiếp nhờ cổ phiếu dầu khí: PVG, PVX, PVS, PVC thăng hoa. Các mã chủ chốt: ACB, KLS, SHB, VND, VCG, SCR tăng 100-200 đồng. PVS và SHS lần lượt được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 233.400-461.600 đơn vị.
Đóng cửa với 126 mã đi lên, HNX-Index tăng 0,72 điểm, lên 88,57 điểm, chuyển nhượng hơn 54,62 triệu cổ phiếu, tương đương 735,52 tỷ đồng. KLF được mua bán sôi động nhất nhưng chỉ ghi nhận 6,8 triệu chứng khoán đổi chủ. 

Phát Đạt đã mua lại đất vàng của Công ty Đức Khải

Công ty địa ốc Phát Đạt vừa mua lại khu đất vàng trị giá hơn 500 tỷ đồng tại quận 5 (TP HCM) của Công ty Đức Khải - đơn vị từng có ý định tậu đội tàu cá nghìn tỷ nhưng bất thành.


Khu đất rộng 8.000 m2, tọa lạc tại ngã ba An Dương Vương - Nguyễn Văn Cừ, thuộc địa bàn quận 5 nhưng tiếp giáp quận I, được đánh giá là có vị trí đắc địa, sẽ tiếp tục được Phát Đạt sử dụng để phát triển dòng căn hộ cao cấp với thương hiệu The EverRich.
a-tb-Phat-Dat-thau-tom-dat-8143-14176103
Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Công ty Phát Đạt (bên phải) bắt tay đại diện Công ty Đức Khải sau lễ ký kết chuyển nhượng dự án. Ảnh: P.D
Dự án này theo kế hoạch, sẽ có tổng chi phí đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng, tổng diện tích sàn xây dựng là 76.429 m2, đã gồm tầng hầm. Chủ đầu tư mới sẽ khởi công vào tháng 1/2015, mở bán vào quý II cùng năm và bàn giao nhà vào cuối năm 2016.
Trao đổi với VnExpress, Chủ tịch Công ty Phát Đạt, Nguyễn Văn Đạt cho biết trong vài năm tới, doanh nghiệp sẽ chủ động mua lại những khu đất sạch, vị trí đẹp để phát triển các dự án  trung - cao cấp.
"Thương vụ mua lại khu đất 290 An Dương Vương chỉ là mở màn. Hiện chúng tôi đã điểm được một số khu đất, dự án tiềm năng và sẽ công bố trong thời gian tới, khi việc thương thảo đã hoàn thành”, ông Đạt cho hay.

Bộ Tài chính băn khoăn khoản thưởng 90 tỷ đồng để cho nhà thầu vượt tiến độ

Bộ Tài chính vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng chỉ đạo về nguồn chi và mức chi thưởng cho các nhà thầu thi công hoàn thành vượt thời hạn hợp đồng tại dự án xây dựng đường vành đai 3 Hà Nội (giai đoạn II). 

Dù đồng ý báo cáo Thủ tướng quyết định việc chi thưởng theo đề xuất của Bộ Giao thông song Bộ Tài chính vẫn lo ngại việc làm này sai luật.

Động thái này của cơ quan quản lý ngân sách đã chấm dứt hơn một năm tranh luận, kể từ khi Bộ Giao thông có đề nghị thưởng với các nhà thầu.

caucannhintutrencao6-144482-13-2469-5419
Ba nhà thầu dự án đường vành đai 3 trên cao được thưởng vì vượt tiến độ.  Ảnh: Bá Đô 
Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị thưởng cho Công ty Xây dựng Sumitomo Mitsui - nhà thầu thi công gói số 2 hơn 51 tỷ đồng do thành tích vượt tiến độ 454 ngày. Liên danh Samwhan–Cienco4 - là nhà thầu thi công gói thầu số 1 cũng được đề xuất thưởng số tiền gần 39 tỷ đồng vì đã vượt tiến độ 263 ngày.
Theo cơ quan này, việc phê duyệt, thanh toán tiền thưởng cho nhà thầu là thực hiện theo hợp đồng đã ký, phù hợp với quy định hiện hành, không nằm trong các khoản không được thanh toán quy định trong Hiệp định vay và được nhà tài trợ vốn chấp thuận. 
Bộ Giao thông cũng nhìn nhận, thực tế việc thưởng là để bù đắp một phần chi phí nhà thầu bỏ ra nhằm thúc đẩy tiến độ thi công nên bản chất cũng là chi phí xây lắp bổ sung. Do đó, cơ quan này đề nghị Bộ Tài chính thanh toán số tiền thưởng nêu trên cho các nhà thầu, từ nguồn vốn vay của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)
Tại văn bản trình Thủ tướng, Bộ Tài chính cho rằng việc nhà thầu thi công vượt tiến độ là tích cực, đáng động viên. Song theo quy định của Luật Quản lý nợ công và Luật Ngân sách nhà nước, tiền vay chỉ dùng để chi đầu tư. "Trong khi đó, khoản tiền thưởng do vượt tiến độ của các công trình xây dựng có được coi là chi cho đầu tư hay không thì chưa được quy định rõ”.
Đại diện cơ quan này cũng cho rằng, nếu quyết định thưởng vượt tiến độ như trên cũng là một trong số không ít những trường hợp các dự án do Bộ Giao thông vận tải quản lý ký lệnh thay đổi khi chưa xác định trước nguồn vốn thanh toán, trị giá, lập dự toán để cân đối kinh phí tại từng cấp ngân sách. “Việc này chưa đúng với Chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ”, cơ quan này lo ngại.
Dù tỏ rõ quan ngại như vậy, song trong phần kiến nghị, Bộ Tài chính vẫn đề xuất xem xét đây như là “trường hợp cá biệt” cũng như để tránh khiếu kiện về sau do chủ đầu tư và nhà thầu đã ký kết thỏa thuận về trả tiền thưởng.  Về nguồn chi trả, Bộ Tài chính đồng ý với đề nghị của ngành giao thông, kiến nghị Thủ tướng cho phép thanh toán từ nguồn của Hiệp định vay với JICA.

Nhà đầu tư chốt lời khiến cho vàng giảm giá

Ngày hôm qua nhiều người đi bán vàng sau khi đã kịp mua với giá thấp hôm đầu tuần. Giá hạ xuống gần 200.000 đồng một lượng.


Tập đoàn Doji hạ giá mua và bán vàng xuống 35,18 - 35,25 triệu đồng sáng nay, so với mức bán ra 35,37 triệu đồng cùng thời điểm hôm qua. Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đang mua vào từ khách cao hơn 30.000 đồng mỗi lượng so với Doji, bán ra cao hơn 10.000 đồng.
Giá trong nước hạ nhiệt sau một ngày tăng mạnh do thị trường quốc tế cũng vừa mất mốc 1.200 USD, giảm từ 1.210 xuống 1.199 USD tính đến 9h sáng nay (theo giờ Hà Nội). Trước đó, thị trường trải qua một tuần nhiều sóng, với hai lần xuống 34,9 triệu đồng và ba lần lên 35,4 triệu đồng.
vang-1-4972-1417574450.jpg
Giá vàng giảm do nhiều người đi bán chốt lời hôm qua.
Khi giá tăng mạnh hôm qua, nhiều người đã tranh thủ đi mua vàng, trái ngược với xu hướng mua khi giá xuống 34,9 triệu đồng hôm thứ Hai. PNJ cho biết lực bán của khách lẻ chiếm 55% tổng lượng giao dịch lẻ. Một phần nhờ đà bán này, đà giảm của thị trường trong nước bắt kịp diễn biến thế giới.
Khoảng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ngày hôm nay không có nhiều biến động do vàng quốc tế đi ngang trong biên độ hẹp, mức chênh hiện tại là 4 triệu đồng mỗi lượng theo tỷ giá USD thị trường quy đổi. “Cuối năm, nhiều nhà đầu tư sẽ có động thái tất toán dần trạng thái vàng, giao dịch trên thị trường dự báo duy trì ở mức thấp. Giá SJC cuối năm dự báo xoay quanh vùng giá 34,95 – 35,35 triệu đồng”, PNJ nhận định.
Tỷ giá của các ngân hàng hạ nhiệt nhẹ. Tại Vietcombank, niêm yết bán hôm qua là 21.405 đồng, sáng nay còn 21.395 đồng mỗi đôla Mỹ. Eximbank hạ 20 đồng cả hai chiều mua và bán từ sáng qua đến mở cửa hôm nay, sau đó giảm tiếp 10 đồng lúc 9h, đưa bảng niêm yết USD về 21.330 - 21.390 đồng.
Còn ACB giảm 40 đồng chiều mua vào so với mở cửa hôm qua, 20 đồng chiều bán ra, đưa giá mua - bán xuống lần lượt 21.340 - 21.390 đồng.

Doanh số mua bán trực tuyến lập kỷ lục vào ngày Cyber Monday

Cyber Monday được Hiệp hội Bán lẻ quốc gia Mỹ (NFR) lập ra năm 2005, nhằm khuyến khích mua sắm trực tuyến. Ngày này được ấn định vào thứ Hai đầu tiên sau Black Friday.

2,04 tỷ USD hàng hóa đã được giao dịch trong 24h đầu tiên của tuần qua, tăng 17% so với năm ngoái và là ngày mua sắm trực tuyến bận rộn nhất thế giới cho đến nay.

Năm nay, các hãng bán lẻ, từ Target đến Amazon đều có nhiều ưu đãi mua hàng từ đầu tháng 11. Nhiều người cho rằng thời gian khuyến mại kéo dài sẽ khiến doanh số ngày Cyber Monday giảm sút. Sự khởi đầu ảm đạm của mùa mua sắm tại các cửa hàng cũng khiến người ta ít kỳ vọng vào ngày này. Tuy nhiên, theo hãng nghiên cứu comScore, người dân vẫn rất hào hứng với ngày mua sắm qua mạng.

cyber-3384-1417576820.jpg
Nhân viên của Amazon đang đóng gói hàng cho ngày Cyber Monday. Ảnh: Bloomberg
"Những ý kiến cho rằng Cyber Monday đang mất sức hấp dẫn thực sự là không có cơ sở, do ngày này vẫn luôn lập kỷ lục mới qua các năm, phản ánh sức mạnh của mua sắm trực tuyến trong kỳ nghỉ lễ", ông Emeritus Gian Fulgoni - Chủ tịch comScore cho biết.
Đây là một phần của xu hướng chuyển sang mua hàng trực tuyến, khi sự phổ biến của điện thoại di động làm xuất hiện trào lưu "showrooming". Đây là thuật ngữ chỉ hoạt động xem hàng tại quầy của người tiêu dùng, sau đó lên mạng tìm mua online.
"Những số liệu chúng tôi thu được cho thấy khách hàng chỉ thay đổi hành vi, chứ không phải nhu cầu mua sắm", Fulgoni cho biết trên AP.
Các tổ chức khác công bố số liệu ngày Cyber Monday khiêm tốn hơn. IBM Digital Analytics Benchmark cho biết doanh số năm nay tăng 8,5%, thấp hơn tương đối so với 20% năm ngoái. "Khi mùa mua sắm cho kỳ nghỉ lễ kéo dài hơn một ngày, các hãng bán lẻ và sản xuất đã tận dụng việc này khi giúp người tiêu dùng dễ dàng mua ở mọi nơi, mọi thời điểm", Jay Henderson - Giám đốc IBM Smarter Commerce nhận xét.
Dù vậy, Cyber Monday vẫn là ngày mua sắm trực tuyến bận rộn nhất nước Mỹ, từ năm 2010 đến nay. Walmart cho biết hãng đã nhận được số đơn hàng kỷ lục trong ngày này. Bên cạnh đó, khoảng 70% lưu lượng vào website trong dịp Lễ Tạ Ơn và Cyber Monday năm nay là đến từ thiết bị di động.
Tại Việt Nam, Ngày mua sắm trực tuyến đầu tiên cũng sẽ diễn ra vào ngày 5/12 tới, dưới sự tổ chức của Bộ Công thương và Hiệp hội thương mại điện tử. Vào ngày này, dự kiến hàng triệu lượt người sẽ ghé thăm và tham gia mua sắm tại website chính thức của chương trình onlinefriday.vn. Đến nay, hơn 760 doanh nghiệp thương mại điện tử trên nhiều lĩnh vực đã đăng ký tham gia bán hàng. Các hình thức khuyến mãi phổ biến là giảm giá hoặc miễn phí vận chuyển.

Victoria’s Secret là con gà đẻ trứng vàng của ngành đồ lót

Victoria’s Secret hiện có hơn 1.000 cửa hàng tại Mỹ, kiểm soát 35% thị phần đồ lót nước này và đóng góp hơn nửa doanh thu cho công ty mẹ - L Brands.


Những người mẫu nội y nóng bỏng không phải là thứ duy nhất thu hút sự chú ý tại Victoria's Secret Fashion Show năm nay. Vì cổ phiếu hãng thời trang Mỹ - L Brands cũng đang rất được lòng nhà đầu tư khi đã tăng hơn 30% trong năm 2014.
Trong bối cảnh rất nhiều hãng bán lẻ chật vật vì người tiêu dùng giảm chi, ngành kinh doanh đồ lót lại đang thịnh vượng hơn bao giờ hết. Theo CNN, thành công hiện tại của L Brands chủ yếu nhờ vào sự nổi tiếng từ thương hiệu quốc tế - Victoria's Secret. Những năm gần đây, công ty này đã liên tục mở rộng ra nước ngoài, và show diễn thời trang hàng năm cũng trở thành sự kiện nóng của thế giới.
Simeon Siegel – nhà phân tích tại Nomura cho biết L Brands là một trong những hãng bán lẻ đắc lợi nhất mùa mua sắm Black Friday năm nay. Ông dự đoán doanh số tại các cửa hàng của hãng trong tháng 11 sẽ tăng 6%. "L Brands tự tạo được lưu lượng khách hàng riêng và ít phụ thuộc vào các chương trình khuyến mãi như nhiều cửa hàng khác", Siegel nhận xét.
victoria-6163-1417582982.jpg
Adriana Lima và Alessandra Ambrosio diện hai bộ Fantasy Bra (mẫu áo ngực đắt giá nhất năm) với giá 2 triệu USD. Ảnh: AP
Báo cáo quý III của L Brands cũng cho thấy doanh thu vượt kỳ vọng của giới phân tích, với 2,32 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận của hãng đạt 131,8 triệu USD, tăng hơn 40%. Trong đó, riêng doanh thu tại Victoria’s Secret tăng 5,8% lên 1,4 tỷ USD.
Victoria’s Secret hiện có hơn 1.000 cửa hàng tại Mỹ, kiểm soát 35% thị phần đồ lót nước này. Doanh thu mảng này năm ngoái đạt 6,6 tỷ USD và giá trị thương hiệu ước tính 1,9 tỷ USD.
Các cửa hàng của Victoria's Secret London đã có kết quả kinh doanh rất tốt năm nay, đến mức các lãnh đạo công ty quyết định chọn đây là địa điểm diễn ra show diễn lần này. Họ thậm chí tổ chức nhiều bữa tiệc xem buổi trình diễn tại các cửa hàng ở Mỹ và thế giới.
Theo Huffington Post, giá vé bình thường cho show diễn này là 16.000 USD. Còn nếu muốn tham dự bữa tiệc liền sau đó, bạn sẽ phải mua vé VIP gần 20.000 USD.
Một trong những chiêu câu khách của thương hiệu này là mời nữ ca sĩ nổi tiếng - Taylor Swift biểu diễn trong chương trình. Mục tiêu của họ chính là người hâm mộ của Swift. Nữ ca sĩ là thần tượng của hàng triệu nữ giới trên toàn cầu. Đây chính xác là đối tượng khách hàng Victoria's Secret muốn thu hút.
"Họ đã làm rất tốt công việc marketing. Mọi người đều biết về Victoria's Secret Fashion Show", Susan Anderson - nhà phân tích tại FBR Capital Markets cho biết.
Sau một số khó khăn năm ngoái, Victoria's Secret đã cải thiện đáng kể khâu đột phá sản phẩm và bán hàng, Anderson nhấn mạnh. Thương hiệu này đã mở rộng ra ngoài phân khúc đồ lót truyền thống, để sang mảng đồ lót thể thao. Các sản phẩm mới của Victoria’s Secret đã tạo nên cơn sốt trên thị trường, như quần tập yoga.
Họ cũng cho ra mắt thương hiệu PINK, trực thuộc Victoria's Secret, nhưng hướng tới học sinh và sinh viên. "Người tiêu dùng trẻ luôn cố gắng trở nên già dặn. Một khi bạn đã có được sự ưu ái của họ, họ sẽ rất trung thành", Anderson cho biết.

ILO: Thu nhập ngành tài chính ngân hàng cao nhất ở VN

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), chỉ 1/3 lực lượng lao động ở Việt Nam làm việc tại khu vực chính thức, trong đó nhân lực ngân hàng, công nghệ, bất động sản... hưởng lương cao nhất.


Theo báo cáo với tiêu đề "Chính sách tiền lương Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập" của ILO, Việt Nam đứng thứ 8 trên tổng số 9 nước trong khu vực ASEAN về tỷ lệ lao động trong khu vực chính thức (những người làm trong doanh nghiệp được pháp luật thừa nhận, có mức thu nhập ổn định...), sau các nước như Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Myanmar... và chỉ đứng trên Lào.
Tuy nhiên, tổ chức này cũng nhận xét những năm gần đây, Việt Nam đã nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với thế giới bởi tỷ lệ lao động trong khu vực chính thức dự báo sẽ tăng nhanh trong những thập niên sắp tới. Cụ thể, năm 2013, số lao động làm công có thu nhập ổn định chiếm 34,8%, cao hơn gấp đôi so với con số 16,8% vào năm 1996.
nhan-vien-ngan-hang-1648-1417579365.jpg
Thu nhập bình quân của lao động ngành tài chính - ngân hàng - bảo hiểm khoảng 7,2 triệu đồng một tháng.
Tại khu vực chính thức, nhân lực trong ngành tài chính - ngân hàng - bảo hiểm có mức thu nhập bình quân hằng tháng cao nhất, đạt trung bình 7,23 triệu đồng. Khoa học - công nghệ thông tin và bất động sản đứng tiếp theo, lần lượt đạt 6,5 triệu đồng và 6,4 triệu đồng mỗi tháng. Đáng chú ý, khảo sát cũng cho biết lao động nữ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng - bảo hiểm và khoa học - công nghệ thường được trả lương cao hơn so với nam giới.
Ngược lại, lĩnh vực nông nghiệp vốn chiếm khoảng một nửa lực lượng lao động nhưng tỷ lệ được trả lương chỉ chiếm hơn 10% trong tổng số lao động chính thức tại Việt Nam. Điều này dẫn tới thu nhập bình quân trong nhóm ở mức thấp nhất, chỉ đạt 2,63 triệu đồng.
ILO-JPG-5443-1417579365.jpg
Thu nhập hàng tháng của lao động trong các lĩnh vực tại Việt Nam theo khảo sát của ILO năm 2013. Đơn vị: nghìn đồng
Tính chung toàn khu vực, ILO nhận xét ASEAN đã có bước tiến vượt bậc trong cải cách tiền lương. Từ chỗ chỉ là khu vực có mức tăng trưởng tiền lương khiêm tốn, hai năm gần đây, vấn đề này đã được cải thiện đáng kể thông qua tăng lương tối thiểu, lương thực tế tại Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.
Tại Việt Nam, năm 2012, mức lương trung bình hàng tháng đã đạt 3,8 triệu đồng một tháng (181 USD), cao hơn Lào (119 USD), Campuchia (121 ISD) và Indonesia (174 USD). Là thành viên của cộng đồng kinh tế ASEAN và ngày càng hội nhập sâu rộng hơn, Việt Nam được đánh giá sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc trong thập kỷ tới.
Với việc cồng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) sẽ hình thành năm 2015, các chuyên gia của ILO nhận định việc thiết lập các chính sách cũng như mức tiền lương hợp lý sẽ đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam thay đổi cấu trúc, nâng cao năng suất lao động và điều kiện làm việc, tăng sức cạnh tranh trên toàn cầu.

Đất nền giá rẻ ở ven khu Nam Sài Gòn đua nhau bung hàng

Trong khi các đại gia địa ốc ở phía Đông Sài Gòn đang đua nhau bán căn hộ, nhà phố dự án ăn theo tuyến metro số một và đường Vành đai 2 thì khu vực vùng ven phía Nam thành phố lại nở rộ đất nền giá vài trăm triệu đồng mỗi mảnh.

Những khu vực vùng ven, hướng về miền Tây, có bán kính 30 km từ trung tâm TP HCM trở lại đang được mở bán rầm rộ với giá 230-500 triệu đồng mỗi mảnh.

Tập đoàn Quốc tế Năm Sao đang rục rịch chuẩn bị chào hàng dự án Five Star Eco City hơn 220 ha, giai đoạn một rộng 39,5 ha có vốn đầu tư khoảng 380 triệu USD. Dự án nằm cách khu Phú Mỹ Hưng 16km và gần đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, giá từ 5,5 triệu đồng một m2. Đất nền dự án này sẽ được cấp sổ đỏ sau một năm giao dịch. 
Đầu tháng 12, Công ty địa ốc Thắng Lợi công bố dự án Phúc Long Garden nằm ngay trung tâm đô thị Bến Lức, giá 3,5-4 triệu đồng mỗi m2, đã có sổ đỏ riêng từng nền. Dự án sắp bàn giao hạ tầng, có thể xây nhà để ở ngay hoặc xây để cho thuê, tiện ích, dịch vụ của khu vực đã hoàn chỉnh.
Trước đó, hồi giữa tháng 11, Công ty Đầu tư kinh doanh bất động sản Thanh Yến mở bán đất nền ngay trung tâm huyện Bến Lức. Dự án Thanh Yến Residence, cách TP HCM khoảng 30km về hướng Tây Nam giá 230-300 triệu đồng một nền.
Dự án có hệ thống điện, cấp thoát nước, công trình tiện ích công viên, trường học đã được hoàn thiện, sổ đỏ từng lô, nhận nền xây dựng nhà ở ngay. Theo chủ đầu tư, khách hàng còn có thể vay vốn từ gói tín dụng 30.000 tỷ vì tổng giá trị nền đất và nhà đã xây dựng theo đúng quy chuẩn có giá trị dưới một tỷ đồng.
a-tb-1-dat-nen-gia-beo-ven-7448-14175806
Khách hàng giao dịch nền đất ngay tại một dự án thuộc huyện Bến Lức, Long An. Ảnh: Vũ Lê
Ngoài ra, trong quý IV/2014 khu vực vùng ven giáp ranh khu Nam Sài Gòn còn xuất hiện các dự án của Công ty Toàn Cầu Xanh và Công ty địa ốc Á Châu ở khu vực Tân Đô, Đức Hòa, Long An có bán kính cách TP HCM không quá 30 km. Công ty Nam Long, ông trùm chung cư giá bình dân tại Sài Gòn cũng không bỏ sót thị phần đất nền giá rẻ tại thị trường vùng ven là Long An. Hầu hết các dự án này đều có giá vài ba trăm triệu đồng một nền, pháp lý hoàn thiện.
Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, Trần Khánh Quang nhận xét, cuộc đua giành thị phần đất nền giá rẻ ở trục đô thị giáp ranh khu Nam Sài Gòn đã bắt đầu tăng tốc. Chặng đua đang ngày càng khốc liệt do cùng lúc xuất hiện quá nhiều dự án cùng phân khúc. Tuy nhiên, nhờ giá rẻ, khoảng cách không xa TP HCM nên vẫn có khá nhiều nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt là người Việt gốc Hoa.
"Hiện nay lượng khách hàng là người Việt gốc Hoa từ khu Chợ Lớn đổ về Long An gom đất nền khá phổ biến. Có thể họ chọn khu vực này vì khoảng cách không xa quận 5, 6 đồng thời đất nền tại đây còn rẻ so với nội đô Sài Gòn", ông Quang lý giải.
a-tb-2-dat-nen-gia-re-ven-k-3100-1417580
Các dự án khu dân cư dọc theo trục Quốc lộ 1A đổ về Sài Gòn, cách TP HCM khoảng 30 km đang đua nhau bung hàng. Ảnh: Vũ Lê
Theo ông Quang, mặc dù hầu hết các dự án đang mở bán đều không phải là sản phẩm mới mà chỉ là hàng tồn kho được làm mới theo từng giai đoạn nhưng thị trường này đang đón nhận xu hướng đầu tư tích cực ăn theo hạ tầng. Đó là các tuyến giao thông huyết mạch: Vành đai 4, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Sài Gòn - Trung Lương.
Tổng giám đốc Công ty Techcomreal, Nguyễn Xuân Lộc cho rằng hiện nay vẫn khá nhiều doanh nghiệp có kế hoạch tung đất nền tại Long An vì địa bàn này còn quỹ đất dồi dào, mặt bằng giá rẻ. Đây là lợi thế lớn so với giá đất nền trong nội thành Sài Gòn vốn đang rất cao.

Theo ông Lộc, ngoài lý do đón đầu hạ tầng giao thông nghìn tỷ là các tuyến cao tốc, vành đai, thậm chí là metro trong tương lai, hơn nữa một yếu tố đặc biệt thúc đẩy thị trường là niềm tin của nhà đầu tư đã dần trở lại sau khi khu Đông TP HCM rầm rộ bung hàng.

"Nếu đất nền hội được yếu tố: giá rẻ, pháp lý hoàn chỉnh, khoảng cách đủ xa môi trường chật chội và khói bụi của Sài Gòn nhưng vẫn đủ gần cho những người làm việc ở rìa trung tâm Thành phố thì nhà đầu tư vẫn đón nhận”, ông đánh giá. 

Ông Dominic Scriven nhận phải thất bại khi room ngoại chưa được nới

Tổng giám đốc Dragon Capital cho rằng nhà đầu tư ngoại có thể "đi chơi" trước khi quyết định nới room được ban hành.


Lãnh đạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước mới đây cho biết phải sang năm sau, văn bản cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua nhiều cổ phần hơn tại doanh nghiệp niêm yết (hiện tỷ lệ tối đa là 49%) mới được ban hành. Động thái này đã khiến nhiều nhà đầu tư ngoại khá buồn lòng. Bên lề Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2014, ông Dominic Scriven - Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ Dragon Capital, đại diện nhóm công tác thị trường vốn vừa có cuộc trao đổi với báo chí về diễn biến này.
- Nhiều năm qua, nhóm công tác thị trường vốn liên tục kiến nghị Chính phủ nới room cho khối ngoại, song đến năm nay vẫn chưa thành hiện thực. Cảm nghĩ của ông như thế nào?
- Đây là sự thất bại của nhóm công tác thị trường vốn. Việc Ủy ban chứng khoán thông báo sang năm sau mới xem xét lại việc nới room khiến chúng tôi khá buồn. Nhà đầu tư nước ngoài trong năm tới coi như không có việc làm. Tôi nghĩ mình nên đi chơi thôi.
dominic-4972-1417588813.jpg
Ông Dominic Scriven cho biết việc kiếm nhà đầu tư đang ngày càng khó khăn.
- Hoạt động lâu năm tại thị trường chứng khoán Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại hiện nay?
- Từ đầu năm, thị trường chứng khoán Việt Nam mới thu hút được 150 triệu USD từ nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đã phản ánh sự quan tâm của giới đầu tư: Nhỏ lắm. Họ có quan tâm nhưng chỉ là trên lý thuyết, không biến thành hiện thực. Họ đến Việt Nam chủ yếu là du lịch, chơi, ăn món ăn Việt Nam.
Tôi chưa nói đến thủ tục xin cấp mã giao dịch tại Việt Nam, bởi nếu có cơ hội thì họ cũng sẵn sàng chấp nhận. Song vấn đề là nhà đầu tư cảm thấy mất công, đi mà không đầu tư được vào cái gì.
- Theo ông, thị trường chứng khoán Việt Nam còn vướng ở đâu?
- Quy mô thị trường vốn Việt Nam đang quá nhỏ, chỉ khoảng 50 tỷ USD, bằng 25% GDP. Kinh tế Indonesia không hơn Việt Nam bao nhiêu nhưng quy mô thị trường chứng khoán đạt gần 600 tỷ USD, Thái Lan là hơn 300 tỷ USD và Philippines là 200 tỷ USD. Nguyên nhân là Việt Nam vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa niêm yết, mới giao dịch trên UPCoM, thị trường tự do.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng chưa được nhà đầu tư ngoại quan tâm do tỷ lệ sở hữu của Nhà nước vẫn còn lớn, cổ đông bên ngoài không có tiếng nói.
- Vậy cần những giải pháp gì để khắc phục điểm này, thưa ông?
- Muốn tăng hiệu quả, quy mô của thị trường chứng khoán thì phải thu hút các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước lên sàn. Song, doanh nghiệp Nhà nước lại vướng phải vấn đề hiệu quả của khu vực kinh tế quốc doanh. Nếu cải thiện được vấn đề này sẽ vừa thúc đẩy được thị trường chứng khoán phát triển, vừa làm lành mạnh khu vực kinh tế Nhà nước. Một mũi tên trúng hai đích.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần cải thiện khâu quản trị. Nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn duy trì mô hình gia đình trị.
- Các quỹ lớn tại Việt Nam chỉ còn 1-2 năm nữa là đóng. Ông nghĩ sao về nhận định khi cho rằng Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ quỹ mới chưa thấy đến, trong khi các quỹ đang hoạt động không còn thấy cơ hội?
- Đây là sự chuyển biến không thể tránh khỏi. Trên thế giới, những quỹ có tuổi đời 100 năm rất ít, thông thường là 5-8 năm, tối đa là 10 năm. Đến một thời điểm, quỹ phải thanh lý trả lại vốn cho nhà đầu tư hoặc huy động vốn đó vào loại hình khác. Do đó, dòng vốn có thể ra đi hoặc quay trở lại, nhưng dưới một khoản đầu mới.
- Với riêng Dragon Capital, trong một năm qua quỹ có gọi được nhà đầu tư không?
- Chúng tôi có huy động được khoảng 100 - 200 triệu USD. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nhà đầu tư đang trở nên khó khăn. Chúng tôi phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng xem ai có nguồn vốn để kêu gọi, song thuyết phục được họ cũng là cả một vấn đề.

WB: GDP Việt đáng lẽ còn cao hơn

Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2014 được Ngân hàng Thế giới giữ ở mức 5,6%, thấp hơn mục tiêu Chính phủ cam kết hoàn thành.


Đánh giá kinh tế Việt Nam 2014 vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra tại báo cáo thường niên, được công bố sáng nay tại Hà Nội. Cụ thể, WB cho rằng kinh tế Việt Nam đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực ban đầu về quá trình phục hồi. Tăng trưởng GDP quý III tương đối cao, tăng 6.2% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo tốc độ tăng trưởng 9 tháng đầu năm lên 5,6%.
wb-0-7340-1417596048.jpg
Bà Victoria Kwakwa cùng nhóm chuyên gia của Ngân hàng thế giới công bố báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế Việt Nam sáng 3/12.
5,6% cũng là dự báo được WB đưa ra đối với tăng trưởng cả năm 2014 của Việt Nam, cao hơn mức 5,4% đưa ra trước đó nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu 5,8% được Chính phủ khẳng định sẽ hoàn thành trong năm nay.
Tình hình kinh tế tốt hơn dự báo được tổ chức này phân tích là do tất cả các lĩnh vực (trừ dịch vụ) đều tăng trưởng cao hơn năm ngoái, nhất là các ngành công nghiệp chế tạo, xây dựng... đều chứng kiến mức tăng trưởng ngoạn mục so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, WB cho rằng vẫn có những điểm hạn chế, khiến GDP của Việt Nam "lẽ ra" có thể tăng cao hơn. Cụ thể là nhu cầu nội địa ở mức thấp, khi tăng trưởng doanh số bán lẻ - chỉ số đại diện cho tiêu dùng tư nhân – chỉ tăng 6,1% (theo giá trị thực) sau 10 tháng, thấp hơn đáng kể so với hồi 2010.
Bên cạnh đó, thiếu hụt về cơ sở hạ tầng, cải cách doanh nghiệp Nhà nước, hệ thống ngân hàng chậm cải thiện cũng là nguyên nhân khiến GDP chưa tăng xứng tầm. Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc World Bank Việt Nam khẳng định nếu Việt Nam cải thiện được tốc độ cải cách, tăng trưởng sẽ ở mức cao hơn hiện nay.
Tăng trưởng và dự báo GDP các nước Đông Á Thái Bình Dương
Quốc gia20122013201420152016
Trung Quốc7,77,77,47,27,1
Indonesia6,35,85,25,65,6
Malaysia5,64,74,95,05,0
Philippines6,87,26,46,76,5
Thái Lan6,52,91,53,54,0
Việt Nam5,25,45,65,65,8
Campuchia7,37,47,27,57,2
Lào8,08,57,56,47,0
Myanmar7,38,38,58,58,2
Báo cáo cập nhật của World Bank cũng chỉ ra xu hướng trái ngược giữa hai nhóm doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, số doanh nghiệp nội đóng cửa cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, doanh nghiệp mới mở ra lại ít hơn.
Trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài dường như không phải chịu quá nhiều áp lực của hệ thống quản lý trong nước và vẫn là nguồn tăng trưởng quan trọng. Các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy ngày một hài lòng hơn. Khảo sát của EuroCham cho thấy nhà đầu tư châu Âu đang hài lòng nhất trong hơn 3 năm qua về môi trường kinh doanh. Hiện khu vực FDI đóng góp gần 20% GDP, 22% tổng vốn đầu tư, 2/3 kim ngạch xuất khẩu và tạo ra 1/4 việc làm cho khu vực doanh nghiệp chính thức.
"Không một quốc gia phát triển nào chỉ chú trọng vào vốn đầu tư nước ngoài. Để thành công, Việt Nam cần có khối kinh tế tư nhân mạnh ở trong nước, song song cùng tồn tại với khối FDI", bà Kwakwa nhận xét.